Apple, Nike, Adidas, Unilever… là những hình ảnh bạn có thể bắt gặp ở bất cứ đâu, xung quanh chúng ta, hằng ngày. Chúng không chỉ được mệnh danh là những logo thương hiệu nổi tiếng thế giới mà thậm chí còn có tầm ảnh hưởng lớn vượt mọi thời đại.
Nhưng đã bao giờ bạn tự hỏi những logo thương hiệu này được tạo ra như thế nào và câu chuyện đằng sau đó là gì chưa?
Hãy cùng BYAWE khám phá những “bí mật” thú vị của những mẫu logo “điểm mặt đặt tên” dưới đây nhé!
Vì sao các logo thương hiệu “đơn giản” lại nổi tiếng thế giới?
Trước khi khám phá các logo thương hiệu nổi tiếng thế giới không ai là không biết. Trước tiên chúng ta sẽ cùng tìm hiểu xem vì sao chúng lại nổi tiếng dù trông khá “đơn giản” nhé!
Trên thực tế, sự “đơn giản” mà chúng ta biết từ trước đến nay đều là kết quả của những bộ óc đổi mới, sáng tạo, đi đầu, dám mơ lớn và dám nghĩ dám làm. Có lẽ để trả lời cho câu hỏi “điều gì tạo nên một logo thành công, nổi tiếng?” đã tốn không ít giấy mực.
Cho đến hiện tại, một logo có sức ảnh hưởng thường bao gồm các yếu tố quan trọng sau:
- Dễ nhận biết, dễ ghi nhớ;
- Đủ độc đáo, khác biệt để nổi bật giữa đám đông;
- Nhận ra dễ dàng dù co giãn ở mọi kích thước;
- Không sử dụng quá 3 màu sắc;
- Nêu được thông điệp, tư duy, giá trị cốt lõi, tầm nhìn và tính cách thương hiệu;
- Xây dựng niềm tin và độ tin cậy với khách hàng, đối tác.
Dù cho thế giới ngày càng hiện đại và phát triển không ngừng, những đặc điểm cốt lõi về thiết kế logo trên vẫn đang được giữ nguyên. Cùng với đó, kết hợp với kiểu chữ, hoa văn, bố cục để tạo cảm xúc riêng cho người tiêu dùng khi trải nghiệm sản phẩm.
Không phải logo nào ra đời cũng sẽ được biết đến rộng rãi, yêu thích và được công nhận “sống” mãi với thời gian. Trên thực tế, qua thời gian và hình ảnh thương hiệu được xây dựng nhất quán, đem đến lợi ích, giá trị cho khách hàng mới giúp logo đó “sống” đúng nghĩa.
Khám phá 15+ mẫu logo thương hiệu nổi tiếng thế giới và câu chuyện đằng sau
Có thể khi nhìn thấy thành công vượt trội của các thương hiệu dưới đây bạn sẽ chậc lưỡi và sau đó là suy nghĩ. Bởi những câu chuyện đằng sau các logo này sẽ giúp bạn hiểu rằng đằng sau logo là chiến lược kinh doanh – tiền bạc – sức lực – thời gian – con người và một ý chí không bỏ cuộc mới làm nên tất cả.
1. Apple
Từ năm 1976, logo đầu tiên ra đời cho đến nay, Apple đã thay đổi 7 lần logo. Tuy nhiên, nếu giữ hình ảnh logo năm 1976 đến nay, chưa chắc Apple đã được đón nhận nhiều đến như thế. Bởi hình ảnh Isaac Newton đang ngồi dưới gốc cây và một quả táo trên cành rơi xuống khiến mọi người khó ghi nhớ và hiểu được dụng ý của thương hiệu.
Vào năm 1977, Apple đã thay thế bằng hình ảnh không thể giống “quả táo” hơn với cầu vồng gợi nhắc đến màn hình máy tính màu đầu tiên của hãng. Dần dần, theo chiều lịch sử phát triển, Apple cập nhật, nâng cấp với logo đại diện cho “thế giới phẳng” ngày nay.
Từ màu sắc đến đường cong của quả táo đều thể hiện được phong cách và giá trị mà thương hiệu muốn mang đến cho khách hàng.
2. Google
Google đã xây dựng được cho mình vị thế độc quyền khi trở thành công cụ tìm kiếm với thống kê là 92,47%, hơn 60% dân số toàn cầu sử dụng.
Đây là logo sẽ thay đổi thiết kế theo các sự kiện lịch sử quan trọng trong năm. Nhưng bản thân logo chủ đạo đã thay đổi 7 lần.
Từ năm 1997 đến nay logo chủ yếu sắp xếp lại các thứ tự màu sắc của các chữ cái. Mỗi một thay đổi nhỏ này nhưng ảnh hưởng rộng rãi trên toàn cầu. Điển hình vào năm 2015, Google đổi từ font Muguet sang font chữ Sans Serif không chân. Việc thay đổi này đã có rất nhiều bất bình, người thì ủng hộ người thì phản đối hoặc chưa thể chấp nhận bởi họ cảm thấy “thiếu” đi điều gì đó rất Google.
Tên đầu tiên của thương hiệu là BackRub vào năm 1995 và chỉ tồn tại 2 năm sau đó bị đổi tên. Và câu chuyện đổi tên của Google chỉ đến từ sự nhầm lẫn. Ban đầu, Sergey và Larry lựa chọn tên thương hiệu là “Googol” – thuật ngữ chỉ số tự nhiên rất lớn được Milton Sirotta đưa ra vào năm 1920. Ý nghĩa của nó nhằm truyền tải khả năng đáp ứng nhu cầu tìm kiếm thông tin của mọi người là vô tận với thuật toán.
Tuy nhiên, khi hai nhà sáng lập trình bày ý tưởng, nhà đầu tư đã viết nhầm tên thương hiệu và thất bại trong cả việc mua tên miền Googol.com. Vì vậy, giờ đây chúng ta có “Google”.
3. Coca-Cola
Là một trong những logo thương hiệu phổ biến thế giới, cũng là loại đồ uống yêu thích của hầu hết trẻ nhỏ dù nhiều thập kỷ đã trôi qua. Thiết kế của thương hiệu đã trải qua nhiều lần thay đổi.
Bắt đầu từ phiên bản đen trắng vào năm 1886. Qua thời gian, logo thay đổi sang màu đỏ trắng cũng đổi tên một vài giai đoạn. Duy chỉ có font chữ cổ điển là giữ nguyên. Điều này thể hiện cho phong cách của Americana với các chữ cái được cách điệu độc đáo. Chính sự hoài niệm này đã tạo nên sức hút qua nhiều thế hệ.
Thật ra ban đầu, Coca-Cola được marketing là loại thuốc bổ não giúp điều chỉnh tâm trạng. Bởi thành phần làm nên loại đồ uống này là từ hạt kola, đường, chiết xuất coca và nước có gas. Sau này, hạt kola và chiết xuất cocain được thay thế bằng axit citric và hương vị trái cây. Để cho loại đồ uống này dễ tiếp cận hơn tới người tiêu dùng, nhân viên kế toán của Pemberton đã đặt tên Coca-Cola và tạo kiểu chữ với gợi ý 2 chữ C viết hoa.
Vì quảng cáo là thuốc bổ nên sự quan tâm không nhiều. Mặc cho Pemberton đã thu hút rất nhiều nhà đầu tư và sau đó ông bán công ty. Chỉ đến khi Coca-Cola được Asa Griggs Candler đóng chai và thuê Robinson để quảng cáo, sử dụng logo ban đầu đã đem đến những hiệu quả tốt hơn. .
4. Nike
Nike thành lập vào năm 1964 với tên Blue Ribbon Sports – một liên doanh giữa huấn luyện viên điền kinh Bill Bowerman và Phil Knight – học trò cũ của ông. Cái tên Nike được giới thiệu vào năm 1971, một năm trước khi giày của thương hiệu này được tung ra thị trường.
Trong những năm kể từ đó, Nike được giới thiệu cùng khẩu hiệu mang tính biểu tượng “Just Do It”. Đây giống như một lời khẳng định cho sự hợp tác thành công và là thương hiệu có thể làm mọi điều tốt nhất cho khách hàng.
Vào năm 1964, Nike được biết đến với logo là chữ “BRS” viết tắt của dòng chữ “Blue Ribbon Sports”. Vào năm 1971, dấu Swoosh lần đầu xuất hiện cùng chữ “Nike” chồng lên.
Đến năm 1995, thương hiệu này đã trở nên dễ nhận biết đến mức công ty quyết định thực hiện một cuộc thiết kế lại đáng kể bằng cách loại bỏ từ “Nike” và chỉ để lại biểu tượng Swoosh làm yếu tố chính. Phiên bản này vẫn đang được sử dụng, với những sửa đổi nhỏ vào năm 1999 để nâng cao nhận diện.
Câu chuyện tạo nên logo của Nike chứng minh logo chất lượng có thể được tạo nên từ giấc mơ lớn và dám làm. Người sáng lập của Nike, Phil Knight, muốn có một logo truyền cảm hứng cho việc hành động và quyết tâm. Anh ấy đã liên hệ với một trong những học trò của mình, Carolyn Davidson, để giúp thiết kế logo cho công ty. Davidson đã tạo ra một số mẫu thiết kế và ngay sau đó, Knight đã chọn logo đại diện cho đôi cánh của nữ thần Hy Lạp Nike.
Đôi cánh của nữ thần đã được biến đổi thành biểu tượng Swoosh. Nike cũng là nữ thần chiến thắng của Hy Lạp phù hợp với niềm tin của thương hiệu. Năm 1971, Knight trả cho Davidson 35 đô la để mua logo.
Đến năm 1983, Nike đã trở thành một thương hiệu quần áo thể thao thành công với logo được nhiều người kính trọng.
5. Facebook
Là nền tảng mạng xã hội được nhiều người dùng nhất hiện nay trên toàn cầu, 3 tỷ người truy cập mỗi ngày. Là công ty con của Meta và xuất phát điểm của Facebook khiến nhiều người nể phục. Đó là căn phòng ký túc xá của Đại học Harvard.
Nếu như logo Google đã bình thường rồi thì Facebook sẽ bình thường hơn thế. Nhưng đây đều nằm trong dụng ý của Mark Zuckerberg. Bản chất của Facebook khi được tạo ra là để trở thành nền tảng truyền thông mạng xã hội, nơi giúp mọi người kết nối dễ dàng với nhau hơn. Vì vậy, sự đơn giản, gần gũi trong font chữ đều thể hiện rõ điều này.
Tuy nhiên, bảng màu của logo lại xuất phát từ lý do cá nhân của người làm chủ. Vì Mark Zuckerberg bị mù màu và màu xanh dương là màu ông nhìn rõ nhất. Do đó, logo Facebook có màu xanh lam kết hợp trắng.
6. McDonald’s
Mcdonald’s khởi đầu là một nhà hàng nhỏ dành cho người lái xe dừng chân nghỉ ngơi, ăn uống vào những năm 1940. Khi nhà hàng McDonald’s nhượng quyền đầu tiên được thành lập vào năm 1952, các mái vòm – cách điệu của chữ cái đầu trong tên thương hiệu là một phần của thiết kế cơ sở. Tuy nhiên phải 9 năm sau, nó mới được đưa vào trong thiết kế logo.
Kể từ đó, nó đã trở thành một biểu tượng văn hóa gắn liền với sự mở rộng toàn cầu, chủ nghĩa tư bản và sự lan rộng của văn hóa Mỹ.
Ít ai biết rằng, phiên bản đầu tiên của logo McDonald’s có hình linh vật của công ty là Speedee. Tuy nhiên, logo đã phát triển theo hướng thiết kế tối giản hơn. Màu đỏ tượng trưng cho năng lượng và sự kích thích, trong khi màu vàng tượng trưng cho hạnh phúc, niềm vui. McDonald’s muốn là nơi đem đến niềm vui, hạnh phúc trong quá trình ăn uống của mọi người.
7. Amazon
Amazon bắt đầu hoạt động vào năm 1994 như một sàn bán sách trực tuyến. Sau đó, nhanh chóng phát triển thành một trong những nền tảng thương mại điện tử lớn nhất thế giới. Ngày nay, doanh nghiệp này tham gia thêm vào phương tiện kỹ thuật số, điện toán đám mây.
Mặc dù thương hiệu đã mở rộng đáng kể các dịch vụ của mình nhưng công ty vẫn nhất quán với hình ảnh logo hiện tại. Bởi ý nghĩa ẩn đằng sau đó!
Giám đốc Jeff Bezos yêu cầu thiết kế một mẫu logo thể hiện Amazon là nơi có thể tìm mua đủ mọi thứ trên đời. Nhìn vào logo, đầu tiên chúng ta sẽ thấy hình khuôn miệng cười đại diện cho sự hài lòng khi người mua trải nghiệm dịch vụ. Họ có thể mua bất cứ thứ gì mình muốn chỉ bằng 1 cú click.
Tiếp đến, để ý kỹ hơn chúng ta sẽ thấy đường cong của nụ cười được nối từ chữ “A” đến chữ “Z”. Đây là cách Amazon tinh tế thể hiện rằng: “Chúng tôi bán mọi thứ, từ A đến Z”. Ngoài ra, cũng có thể hiểu là dịch vụ mà Amazon cung cấp cho khách hàng là vô cùng hoàn hảo từ A đến Z.
8. Levi’s
Nếu như bạn hỏi tôi logo các thương hiệu thời trang nổi tiếng có thể kể đến là gì? Thương hiệu đầu tiên tôi sẽ nhắc đến đầu tiên là Levi’s. Sau đó là Chanel, Dolce Gabbana, GAP, H&M, Uniqlo, Under Amount, Prada, Versace…
Levi’s bắt đầu hoạt động vào năm 1853 với tư cách là một doanh nghiệp kinh doanh hàng khô ở San Francisco. Tuy nhiên, vào năm 1873, sau khi nhận được bằng sáng chế cho quần áo có đinh tán. Công ty bắt đầu bán quần jean xanh – một sản phẩm cải tiến dựa trên loại quần denim truyền thống mà người lao động mặc.
Qua nhiều năm, logo của công ty đã phát triển. Lần lặp lại đầu tiên vào năm 1886 tượng trưng cho tuyên bố giá trị cơ bản về sức mạnh bằng hình ảnh hai con ngựa đang cố gắng xé toạc một chiếc quần jean Levi’s. Phiên bản năm 1936 với chiếc tab màu đỏ đặc trưng. Cuối cùng là thiết kế tab kết hợp với “cánh dơi” hiện tại được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 2008.
Từ logo của Levi’s có thể thấy sự kế thừa, nâng cấp và phát triển để thể hiện đúng với cá tính của thương hiệu.
9. Microsoft
Microsoft, một từ ghép của từ “bộ vi xử lý” và “phần mềm”. Thương hiệu được thành lập vào những năm 1970 để thiết kế phần mềm cho “Altair 8800” – một máy vi tính được tạo ra vào năm 1974.
Trong những năm qua, công ty đã mở rộng vượt xa lĩnh vực phần mềm sang một số ngành như trò chơi, trí tuệ nhân tạo và phần cứng. Logo của công ty cũng đã phát triển cùng với các sản phẩm của mình.
Năm 1975, logo đơn thuần là văn bản đơn sắc. Logo này đã được thiết kế lại nhiều lần, với những thay đổi chủ yếu được thực hiện theo cách điệu của chữ “O” trong các lần lặp lại năm 1980, 1982 và 1987.
Phiên bản logo đầu tiên mà bạn nhận ra ngày nay đã được giới thiệu vào năm 2012, đánh dấu một sự thay đổi đáng kể của Microsoft. Hình ảnh 4 ô vuông màu kết hợp với tên thương hiệu đã trở thành biểu tượng. Sau đó, chỉnh lý một cách tinh tế hơn vào năm 2019 – phiên bản logo hiện tại.
Logo Microsoft thể hiện được sản phẩm chủ lực của công ty cũng như thể hiện đây là một trong những sản phẩm công nghệ có ảnh hưởng sâu sắc tới ngành và cả thời đại.
10. Unilever
Là tập đoàn đa quốc gia sản xuất nhiều mặt hàng tham gia vào nhiều lĩnh vực trong đó có cả mỹ phẩm. Đây là thương hiệu quen thuộc với người tiêu dùng vì sở hữu nhiều nhãn hàng nổi tiếng và phổ biến như Omo, Lifebuoy, Pond’s, Close up, Clear… Nhìn từ logo của Unilever sẽ không nhận ra là một logo thương hiệu mỹ phẩm nhưng lại mang đến sự gần gũi và biểu tượng.
Logo của Tập đoàn Unilever là hình ảnh chữ U sáng tạo – chữ cái đại diện cho tên thương hiệu. Quan sát kĩ mọi người có thể nhận thấy chữ U trong logo được tạo nên từ 25 biểu tượng khác nhau. Đó là hình ảnh tưởng trưng cho 25 công ty con của Unilever.
11. Starbucks
Một thương hiệu về đồ uống nhưng lại có hình ảnh nàng tiên cá làm biểu tượng? Hẳn là bạn đang cố tìm ra sự liên quan trong này đúng không?
Năm 1971, Starbucks khi đó chỉ là một quán cà phê vừa mới thành lập bên bờ sông Seattle. Họ mong muốn thiết kế được logo mang tính lịch sử và có thể đại diện cho thành phố quê hương của Starbucks. Ba nhà sáng lập đã thuê nhà thiết kế đồ hoạ tên là Terry Heckler để thực hiện dự án này.
Hecker đã tìm nguồn cảm hứng qua việc nghiền ngẫm bộ sách cũ về hàng hải, cho đến khi ông phát hiện ra một bức tranh khắc gỗ Bắc Âu cũ, khoảng thế kỷ 16, “một nàng tiên cá hai đuôi”. Và thế là logo Starbucks ra đời.
Đến nay, Starbucks đã loại bỏ các yếu tố bao quanh Siren và tên thương hiệu. Logo mang hình ảnh nàng Siren không còn rốn, ngực được che sau lớp tóc, đầu đeo vương miện, trên đầu là một ngôi sao tỏa sáng. Thông điệp mà Starbucks logo này mang lại đó là để chống lại các cáo buộc về hình ảnh “gợi dục”.
Màu xanh lá cây trong logo của Starbucks tạo cảm giác ổn định cũng như sự sạch sẽ, ngon miệng, phù hợp với ngành thực phẩm. Trong khi màu trắng thể hiện cho sự đơn giản, tinh khiết. 2 tone màu khi kết hợp với nhau ý nói các đồ uống mang thương hiệu Starbucks đều sạch sẽ, ngon miệng và thu hút.
12. Twitter
Twitter đã đi được một chặng đường dài kể từ khởi đầu khiêm tốn vào năm 2006. Mặc dù ban đầu công ty được thành lập như một dự án phụ cho nền tảng podcast có tên Odeo. Nhưng nó đã nhanh chóng đạt được thành công vang dội với hơn 1 triệu người dùng chỉ hai năm.
Chuyển nhanh đến ngày hôm nay và Twitter là một trong những công ty công nghệ lớn nhất thế giới, trị giá khoảng 14 tỷ USD (tính đến thời điểm nó được mua lại).
Hành trình phát triển logo của Twitter cũng rất hấp dẫn. Phiên bản đầu tiên của logo Twitter có bảng màu xanh lá cây và thiết kế chỉ có tên thương hiệu. Tuy nhiên, thiết kế này chưa bao giờ thực sự nhìn thấy ánh sáng ban ngày và không được công nhận.
Phiên bản logo đầu tiên được công nhận là con chim xanh được tạo ra bởi Simon Oxley – nhà thiết kế đồ họa người Anh. Năm 2006, logo chú chim xanh được Oxley bán trên iStock và một nhân viên Twitter đã mua nó với giá 15 USD. Chú chim xanh đầu tiên trong logo Twitter, được vẽ theo phong cách Nhật Bản, khá mảnh khảnh và hiền lành đậu trên cành cây. Tuy nhiên, do các quy định, các công ty không được phép sử dụng hình ảnh trên iStock làm logo, vì vậy logo Twitter này đã bị xóa bỏ.
Vào năm 2009, với sự giúp đỡ của nhà thiết kế Philip Pascuzzo đã lấy logo gốc của Twitter và sửa đổi thành một phiên bản tương tự và mang hơi hướng hoạt hình 2D. Sau đó, vào năm 2010, logo Twitter giữ nguyên đường nét hoạt hình nhưng ở dạng là cái bóng của chú chim. Đến năm 2012, Bowman – cựu giám đốc sáng tạo của Twitter đã thiết kế lại logo và được sử dụng trong thời gian rất dài.
Năm 2023, logo Twitter lại một lần nữa thay đổi nhưng đón nhận nhiều ý kiến trái chiều hơn cả. Mặc dù, ý nghĩa của logo đã được giải thích:
- “X” gắn liền đến hoạt động kinh doanh của ông chủ Elon Musk như thành lập công ty x.com và mua lại tên miền x.com từ PayPal.
- “X” còn nằm trong tên công ty công nghệ không gian SpaceX.
- Một mẫu xe mới của Tesla có tên là X.
Vì vậy, logo X của Twitter sẽ tạo ra sự liên kết thương hiệu chặt chẽ trong đế chế của Elon Musk.
13. Vietnam Airlines
Là một Hãng hàng không Việt Nam có quy mô hoạt động toàn cầu và có tầm cỡ tại khu vực. Chính vì vậy, hãng cũng sở hữu logo thương hiệu Việt Nam điển hình.
Lấy cảm hứng từ Hoa Sen – quốc hoa của Việt Nam, kết hợp họa tiết hình triện chữ Vạn mang ý nghĩa luôn may mắn, bình an trên mọi hành trình.
Bông Sen Vàng còn đại diện cho sự khai sáng và hoàn mỹ; vừa đời thường lại vừa cao quý, linh thiêng. Đó là những giá trị mà Hãng hàng không quốc gia mang đến cho khách hàng và đối tác. Sư duyên dáng, mềm mại, nhưng không kém phần cứng cáp, đĩnh đạc là các “cốt cách” mà đội ngũ nhân viên của Vietnam Airlines cần có khi phục vụ khách hàng.
Cuối cùng, hình ảnh từng cánh sen nở rộ thể hiện cho sự chuyển mình mạnh mẽ, luôn lạc quan và tràn đầy năng lượng đổi mới để vươn xa, bay cao.
14. Pepsi
Giống như câu chuyện của Coca-Cola, Pepsi được tạo ra bởi một dược sĩ điều hành một máy bán nước ngọt. Năm 1893, Caleb Bradham bắt đầu bán một loại đồ uống với tên gọi là “Đồ uống của Brad”, sau này trở thành Pepsi-Cola. Logo là chữ “Pepsi Cola” được thiết kế theo kiểu font chữ viết tay màu đỏ, với các chữ cái P và C liên kết với nhau.
Đến năm 1902, đồ uống này đã được đăng ký nhãn hiệu là Pepsi và đã được bán một số bang ở Mỹ. Thật không may, thương hiệu đang hưng thịnh này đã phải chịu thất bại tài chính kéo dài nhiều năm trong Thế chiến thứ nhất và cuộc Đại suy thoái.
Vào năm 1906, logo thay đổi font chữ với đường nét đậm hơn, kích cỡ lớn hơn và thêm chữ “Drink”.
Đến năm 1951, Giám đốc điều hành của Pepsi đã nảy ra ý tưởng đặt logo của công ty lên nắp chai và thêm màu xanh. Việc thiết kế này nhằm mong muốn tạo sự nổi bật hơn so với Coca Cola và thể hiện sự ủng hộ đối với Hoa Kỳ trong Thế chiến thứ hai. Màu sắc đỏ – trắng – xanh dương đại diện ba màu của quốc kỳ Mỹ.
Năm 1987, Pepsi đã thay đổi đường nét đơn giản hơn và sau đó là những thay đổi vào năm 1991, 1998 và 2003.
Năm 2022, logo của Pepsi một lần nữa thay đổi. Logo mới gồm 3 phần với nửa trên màu đỏ, nửa dưới màu xanh lam và ngăn cách bởi đường lượn sóng màu trắng. Màu sắc của nó đại diện cho lá cờ Hoa Kỳ, từ trường của Trái Đất, địa động lực học Pythagoras, thuyết tương đối và tỷ lệ vàng.
Ngoài ra, hình ảnh của logo được hãng công bố có liên quan đến tượng Parthenon, nàng Mona Lisa, tỷ lệ vàng, tính tương đối của không gian và thời gian. Logo này nhằm mục đích nhấn mạnh “sự dao động chu vi” của logo Pepsi, “lực hút” của lon Pepsi trên kệ siêu thị. Nó được thiết kế để gắn với tốc độ giãn nở của vũ trụ.
15. Olympic
Khi nhìn thấy hình ảnh 5 vòng tròn liên kết nhau đối với bất kỳ ai khi được hỏi ý nghĩa đằng sau đó đều khẳng định: đây là nơi hội tụ những vận động viên thể thao giỏi nhất, kiên cường nhất và dũng cảm nhất trên thế giới.
Năm chiếc vòng tượng trưng cho năm châu lục, mỗi châu lục một màu sắc, cùng nhau “nối vòng tay lớn” tạo nên những rung chấn xoay chuyển cả địa cầu, chạm vào cảm xúc và để hàng triệu triệu con người hòa chung một nhịp đập vào chung một thời khắc.
“Vòng tròn Olympic” đại diện cho Thế vận hội Olympic trên toàn cầu được thông qua bởi Ủy ban Olympic quốc tế.
Nói chung, logo Thế vận hội là một ví dụ điển hình về thiết kế đa văn hóa. Có nghĩa là các nhà thiết kế đã chọn một logo mang tính biểu tượng thể hiện sự bình đẳng giữa các nền văn hóa và sẽ được mọi người đón nhận, yêu thích mà không xảy ra bất kỳ tranh chấp nào. Để làm được điều này? Bạn cần nghiên cứu kỹ thị trường, tìm hiểu tâm lý khách hàng, màu sắc, hình dáng và cho ra nhiều mẫu phác thảo, chọn lựa, tối ưu. Sau cùng, bạn sẽ có ít nhất 3 mẫu logo như mong muốn.
Trong bài viết này, BYAWE đã giới thiệu cho bạn một số mẫu thiết kế logo nổi tiếng thế giới tạo được ấn tượng tốt trong lòng khách hàng và đối tác. Hi vọng qua bài viết, bạn sẽ có một vài ý tưởng cho dự án thiết Logo của mình.
BYAWE – Xây dựng thương hiệu toàn diện
VPDD: Tầng 3, tòa nhà Ban Cơ Yếu Chính Phủ, số 43 Lê Văn Lương, Hà Nội
Hotline: 0971 408 009
Email: info@byawe.com.vn